2 tháng trướcAdministrator
Tại New York hay bất kỳ thành phố nào của Mỹ đều có quán phở hay cửa hàng bánh mì Việt Nam, nhưng lại không dễ tìm được những món ăn chuẩn hương vị Hà Nội.
Trần Đức Lâm, chàng trai gen Z người gốc phổ cổ Hà Nội, đã nung nấu ý tưởng mở nhà hàng chuẩn vị Hà Nội ngay từ khi bắt đầu định cư tại New York, Mỹ vào năm 2018.
Anh đã dành ra 4 năm kiên trì tìm hiểu về luật pháp cũng như những quy định khắt khe của Mỹ để có thể mở một nhà hàng Việt Nam mang tên Tèn Ten ngay tại một trong những khu phố sầm uất nhất ở trung tâm New York.
Bánh mì, phở bò xốt vang, phở áp chảo, bún măng gà hay bún thang của người Hà Nội,... là những món thực khách có thể tìm thấy ở Tèn Ten.
Các món ăn tại đây được giữ nguyên hương vị của ẩm thực Hà Nội, không gia giảm để cân bằng giữa ẩm thực Nam - Bắc hay dung hòa vị giác giữa khách nước ngoài với khách Việt như các nhà hàng Việt Nam khác tại Mỹ vẫn làm.
Có lẽ vì thế mà Tèn Ten là địa chỉ duy nhất mà thực khách có thể thưởng thức được bánh mì chỉ có patê, xá xíu hay một bát phở chuẩn vị Hà Nội với quả trứng chần và đĩa quẩy nóng - những món mà các "tín đồ" của phở Hà Nội sống trên đất Mỹ chỉ có thể "muốn ăn phải lăn vào bếp".
Trần Lê Ngũ Phúc An Khang, sinh viên năm thứ nhất tại New York, khá bất ngờ khi thưởng thức món bánh mì The Hanoian của Tèn Ten.
Dù là người miền Nam nhưng Khang thích vị bánh mì Hà Nội. Anh có cảm giác đây mới là bánh mì của người Việt làm cho người Việt ăn, chứ không giống như những vị bánh của người Việt làm để bán cho khách Mỹ.
Anh Jhonssy Moreno, một thực khách Mỹ, nói: "Trước đây tôi đã ăn bánh mì Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến địa chỉ này. Tôi định mua ổ bánh mì ngon nhất ở đây là The Hanoian nhưng cửa hàng đã bán hết rồi. Tôi sẽ thử một loại bánh mì khác, nhất định lần sau tôi sẽ đến ăn thử bánh mì Hanoian".
Anh Đức Lâm chia sẻ đã phải tham gia một số khóa học trực tuyến để có đủ các chứng chỉ cần thiết về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiến thức nấu ăn hay pha chế đồ uống.
Anh cũng "chiêu mộ" một nhóm bạn người Việt đang sinh sống và làm việc tại New York cùng làm với mình.
Ngay sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, Đức Lâm liên tục đi về giữa New York và Hà Nội, tìm đến các nghệ nhân ẩm thực để học hỏi bí quyết và công thức chế biến các món ngon Hà thành. Anh đã tự tay làm patê, tương ớt, làm thịt xá xíu, chế nước xốt cho bánh mì theo công thức chuẩn vị Hà Nội.
Từ khi thuê được mặt bằng kinh doanh cho đến lúc khai trương cửa hàng cũng mất đến gần một năm để hoàn tất các thủ tục ở đây. quyền đến kiểm tra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Người này ngồi tại cửa hàng cả ngày để kiểm tra các công đoạn vận hành nhà hàng, từ việc sắp xếp cửa hàng, nhận khách cho đến các thao tác của nhà bếp, cách để thực phẩm sơ chế, cách phân loại và bảo quản thực phẩm.
Tất cả phải đảm bảo vệ sinh và sự an toàn tuyệt đối cho khách hàng, tránh nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm do bảo quản không đúng quy cách.
TP New York quy định nếu muốn bán thêm bia và các loại đồ uống có cồn dưới 13%, chủ cửa hàng sẽ phải tuân thủ các quy định của chính quyền kèm theo việc xin chữ ký "đồng ý" của những người dân sống trên khu phố đó.
Do việc đăng ký có nhiều khó khăn, nên Tèn Ten chỉ bán các loại cà phê Việt Nam như cà phê đen, cà phê nâu, cà phê muối và cà phê sữa dừa.
Biên dịch: Administrator